Lotus Kim Đức - Vẻ đẹp thanh cao, Tự Hào dân tộc

Kiến thức

Hình tượng hoa sen trong kiến trúc Việt Nam truyền thống và đương đại

Những năm gần đây, các công trình kiến trúc Việt Nam có xu hướng lấy cảm hứng từ hình tượng văn hóa truyền thống nước nhà, trong đó hình tượng được vận dụng một cách phổ biến và có “sức mạnh” nhất, là hình tượng hoa sen.
Từ bao đời nay, hoa Sen đã là một hình tượng đặc biệt trong văn hóa Việt đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Điển hình năm 2002, hãng Hàng không Việt Nam đã chính thức chọn biểu tượng bông sen vàng sáu cánh để kết nối Việt Nam với các nước khác, từ đó hoa sen trở thành hình ảnh Việt Nam trên bầu trời quốc tế. Có cả sắc lẫn hương, đặc biệt với phẩm chất “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, hình ảnh hoa sen được nâng lên với ý nghĩa triết lý sống sâu sắc. Chính vì cảm nhận được vẻ đẹp tinh túy và ý nghĩa thanh tao của hoa sen, nên bông hoa này luôn là cảm hứng bất tuyệt của thi ca và nghệ thuật. Đối với Kiến trúc cũng vậy, hình tượng hoa sen đã được khắc họa trong công trình, cấu trúc cũng như chi tiết cả tổng thể công trình với bao hàm ý nghĩa sâu xa.
 
Hình tượng hoa Sen trong kiến trúc Việt Nam truyền thống:
Sen là loài hoa gắn bó với đời sống con người Việt Nam từ rất lâu đời, đặc biệt trong tư tưởng Phật giáo, hoa Sen được tôn quý và chiếm vị trí rất quan trọng. Vì thế trong các công trình kiến trúc truyền thống, đặc biệt là kiến trúc Phật giáo Việt Nam, hoa sen đã luôn là một hình tượng nghệ thuật. Ban đầu Sen đã được trồng ở trước tam quan và hai bên cạnh chùa, tạo nên không gian và cảnh quan ngôi chùa nét tĩnh lặng và thanh cao. Sau đó, trong quá trình phát triển hoa sen được lồng vào trong các chi tiết, cấu kiện kiến trúc và điêu khắc. Hình tượng hoa Sen thể hiện tập trung trong các nơi thờ tự chính của ngôi chùa, từ các phù điêu, đá tảng kê chân cột, bệ tượng Phật đến các dáng gốm và họa tiết trang trí phong phú. Song cô đọng và sáng tạo hơn cả, có những công trình thể hiện hình khối kiến trúc hay cả một tổng thể là hình tượng hoa sen. 
Những công trình kiến trúc tiêu biểu với hình tượng hoa sen thường xuất hiện trong những giai đoạn hưng thịnh của Phật giáo. Thời Lý thế kỷ thứ 11 với Chùa Một Cột, Hà Nội; thế kỷ thứ 17 với tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, Bắc Ninh; thế kỷ 18 với Chùa Tây Phương, Hà Tây, Chùa Kim Liên, Hà Nội

Tranh sen
 
Chùa Một Cột:
Chùa Một Cột là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu lấy cảm hứng từ hoa sen. Theo truyền thuyết, ngôi chùa này được hình thành từ một giấc mộng đài sen của vua Lý Thái Tông. Chùa có hình dáng một tòa Sen, mọc lên từ hồ nước, chỉ với một cây trụ vươn từ dưới bùn lên (tượng trưng cho cuốn sen) đỡ lấy một cấu trúc xây dựng truyền thống bằng gỗ bình thường (tượng trưng cho đài sen). Chùa nhìn từ xa thì đúng là một hoa sen lớn, mọc lên từ hồ nước.

chùa một cột
 
 
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa – Chùa Bút Tháp: 
Cũng với hình tượng hoa Sen, tháp Cửu Phẩm Liên Hoa là một tổ hợp kết cấu gỗ dạng tháp chín tầng chồng lên nhau. Mỗi tầng có một đài sen rộng chừng 2m, cao 50cm. Cả tháp cao 7,8m, phía ngoài tháp các cánh sen bằng gỗ sơn đỏ tạo thành tầng tầng lớp lớp so le nhau. Ngoài ra, trong chùa có rất nhiều tượng Phật tọa trên tòa Sen, hay hệ thống các hàng lan can cũng có những bức chạm cả hồ sen với cá, chim.
 
Chùa Kim Liên:
Khác với kiến trúc trước đó có các lớp mái kéo dài theo phương ngang, đến giữa thế kỷ XVIII, kiến trúc Chùa Kim Liên đã cô gọn thành một cụm tựa hình tượng bông sen. Thực chất là kiểu kiến trúc đưa ba gác chuông gộp lại làm một tạo thành kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái “trùng thiềm điệp ốc”. Chùa Kim Liên không chỉ có vẻ đẹp về hình khối, về ý tưởng kiến trúc, chùa còn giải quyết tốt được ánh sáng, thông gió… Từ kết cấu đến từng chi tiết kiến trúc của chùa đều gọn gàng, tạo hình khối kiến trúc ổn định, ăn nhập với các yếu tố phù trợ khác như đầu đao cong vút. Đứng trên đê nhìn xuống, Chùa Kim Liên thấp thoáng trong lùm cây xanh um tùm chung quanh là hồ, chẳng khác gì đóa sen nở trên mặt nước. 
 
 
Chùa Tây Phương
Cùng kiểu với kiến trúc Chùa Kim Liên, Chùa Tây Phương được xây dựng tinh xảo hơn, đặc biệt với các đầu đao kép uốn cong, so le. Đứng ở góc chéo có thể nhìn thấy ba góc kia, thấy đuợc sự dãn nở của nhiều lớp mái do việc sử dụng các độ cao hợp lý, trông như hình tượng búp sen nở trong không gian xanh của cây cối xung quanh. Vào trong chùa, ta bắt gặp hình tượng hoa Sen được khắc lồng vào nhiều bộ phận trong bộ vì gỗ, hay bệ cột gỗ được kê trên những tảng đá chạm hình cánh Sen đẹp nền nã.
 
 
 
Nếu ở thời Lý và thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII, hình tượng hoa Sen trong kiến trúc Phật giáo chỉ có tính chất đơn lẻ trong từng chùa như Chùa Một Cột hoặc một bộ phận kiến trúc như tháp quay ở Chùa Bút Tháp thì đến thế kỷ XVIII, hoa sen đã trở thành phong cách kiến trúc của cả một giai đoạn. Nó đánh dấu một phong cách nghệ thuật độc đáo, khởi đầu từ Chùa Kim Liên và được kế tiếp ở Chùa Tây Phương. Ở đây, nét đẹp của giá trị nghệ thuật là ở kết cấu kiến trúc thực được tạo ra để thể hiện những ý niệm triết học trừu tượng của Phật giáo, chỉ bằng một hình tượng đơn giản, đó là bông sen. 
 
Hình tượng hoa sen trong kiến trúc Việt Nam đương đại :
 
Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội:
Bảo tàng được khánh thành năm 1990, do KTS trưởng người Nga Garôn Ixacôvích thiết kế. Tòa nhà là khối hình vuông vạt góc, đặt chéo, cao 3 tầng gần 20m, mỗi chiều dài 70m. Bốn khối hình vuông ở tầng trên cùng được cách điệu vừa là cánh sen, vừa là 4 khuôn cửa. Hình khối công trình khắc họa nên một hình tượng bông sen trắng nở thanh tao, tượng trưng cho phẩm chất thanh cao, trong sáng của Hồ Chủ Tịch và gợi nhớ tới Làng Sen, quê hương của Người. Với kiến trúc độc đáo, kết hợp tính dân tộc và hiện đại, mang biểu tượng bông Sen nghệ thuật, Bảo tàng Hồ Chí Minh, công trình tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình văn hóa lớn của đất nước.
 
 
Chùa Cồ Đàm, tỉnh Đồng Nai: 
Hình tượng hoa Sen, đặc biệt là biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo của Phương Đông. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo và tư tưởng sâu kín. Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến sự sáng tạo hơn cả về hình tượng hoa sen trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
 
 
 Chùa Cồ Đàm tọa lạc bên quốc lộ 51 (hướng về Vũng Tàu, thuộc Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai) hiện vẫn còn đang ở giai đoạn xây dựng. Kiến trúc của chùa xây dựng theo ý tưởng duy nhất là hoa Sen. Chùa Cồ Đàm có nét hết sức đặc biệt, không giống bất cứ một ngôi chùa nào trên đất nước ta. Với mô típ hoa Sen xuyên suốt: nền chùa là gương, cột là cọng, mái là lá, vách là cành, lan can là cánh… xung quanh chùa là hồ nước bao bọc độ sâu 50cm. Tổng diện tích chánh điện là 480 m2 (12x20x14), hình dáng bên ngoài như một thuyền sen hai tầng, với ý niệm đưa người vượt sông mê để đến bờ giác ngộ giải thoát. 
 
Tòa tháp tài chính Bitexco, TP.HCM: 
Tòa tháp Bitexco tọa lạc tại trung tâm quận 1, TP.HCM, cao 68 tầng, xếp thứ 110 các tòa nhà cao nhất trên thế giới vào thời điểm khánh thành. Công trình do KTS Carlos Zapata thiết kế với ý tưởng xây dựng một công trình “khác thường’ nhưng vẫn có sự liên hệ tương đối với truyền thống dân tộc, nên ý tưởng xây dựng tòa tháp này lại xuất phát từ chính biểu tượng truyền thống: bông hoa Sen. Ý nghĩa của ý tưởng này được ông lý giải là biểu trưng cho sự năng động của TP.HCM trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Ông đã xây dựng một tòa tháp tối tân về kỹ thuật, và có hình dáng thuôn dài của búp sen: to ở dưới và thuôn gọn lại phía trên. Nhìn từ xa, tòa nhà vươn cao như búp sen khổng lồ bên dòng sông Sài Gòn. Vẻ đẹp của hình tượng hoa sen còn được chuyển tải từ các mảng tường kính làm nổi bật dáng vẻ vươn cao của tòa nhà.
 
 
Luận bàn về hình tượng hoa sen trong kiến trúc Việt Nam:
Khác với điêu khắc, kiến trúc là một ngành nghệ thuật mang tính kỹ thuật, vừa phải thỏa mãn các yêu cầu về công năng sử dụng, vừa tạo ra cái đẹp. Mà cái đẹp được tạo ra lại vừa có ý nghĩa thì sẽ đạt được mức độ cao nhất của sự sáng tạo. Với ý thức này, các nhà thiết kế từ xưa đến nay đã cố gắn vào công trình của mình những hình tượng, những ý nghĩa, với mong muốn đem lại cho người thụ hưởng những cảm xúc thích thú nhất. Nói một cách khoa học hơn, các nhà thiết kế đã “cài mã” vào trong công trình kiến trúc của mình. Có nhiều loại mã cài, ta có thể phân ra hai loại chính: “mã” dân gian và “mã” trí thức. Với “mã” dân gian, chúng ta “giải mã” một cách dễ dàng. Nó dễ thấy và dễ hiểu, ví dụ như tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, như chùa Cồ Đàm. Với “mã” trí thức, khi “giải mã” chúng ta cần sự liên tưởng và thấu hiểu, ví dụ ở chùa Một Cột, kết cấu xây dựng là trụ cuốn sen và thanh chống chéo được bẻ cong là đài hoa sen, làm toàn bộ công trình nhắc ta nghĩ tới hình tượng hoa sen. Chính vì là kết quả của sự liên tưởng nên khi “giải mã”, có thể cho ra nhiều “lời giải” khác nhau và điều này sẽ tạo nên một cảm xúc lý thú và hấp dẫn. 
 
Khi “cài mã” cho công trình kiến trúc, người KTS có khi phải “hy sinh” những khía cạnh khác để vẫn theo đuổi việc “cài mã”. Thế nên ta cần cân nhắc và lựa chọn, ví dụ như tòa tháp Bitexco, để thể hiện ý tưởng táo bạo, công trình này không tránh khỏi những mặt hạn chế. Bởi theo thiết kế này, diện tích và hình dạng các tầng không giống nhau gây sự rất phức tạp trong thiết kế và thi công, đồng thời diện tích tổng thể của cả tòa nhà ít hơn nhiều so với các phương án kiến trúc khác, đó là chưa kể về mặt kinh tế của các mảng kính cong đồ sộ. Hay vì cố vươn cao tầng nên tỷ lệ của hình búp sen không còn nữa, không đủ độ thuyết phục, mà thay vào đó có nhiều liên tưởng khác: hoa súng, trái bắp, hoa gạo, hay búp măng …
 
Nhưng chúng ta không thể phủ nhận với hình búp sen, tòa tháp Bitexco đã thể hiện ý tưởng sáng tạo táo bạo. Bởi theo xu hướng hiện nay, kiến trúc cao tầng hiện đại được phát triển phẳng và đơn điệu với kết cấu nặng nề, thì tòa tháp Bitexco sẽ là điểm sáng cho kiến trúc TP.HCM nói riêng và cho kiến trúc Việt Nam nói chung. Các công trình kiến trúc cao tầng theo xu hướng này đã trở thành biểu trưng cho các thành phố lớn trên thế giới. 
 
Có thể nói, hoa sen là hình tượng nghệ thuật sáng giá nhất và được khai thác phổ biến trong nghệ thuật Kiến trúc Việt Nam từ xưa đến nay. Từ hoa sen, ta có thể lấy cảm hứng về giá trị cả vừa vật chất, vừa tinh thần, để tạo nên một tác phẩm có tổng thể thống nhất và tinh tế. Ngày nay vị thế hoa Sen được nâng lên tầm cao mới, mang nhiều tính ẩn dụ, giàu nhạc điệu và chất thơ hơn.
 
Ths.KTS Lê Trần Xuân Trang

Bài cùng chuyên mục

Ý nghĩa hoa Sen trong Phật giáo và trong cuộc sống người Việt
Kiến thức 22 Th03 năm 2023

Với người Việt Nam, hoa sen không đơn thuần là một loài hoa mà còn là biểu tượng văn hóa với nhiều ý nghĩa sâu sắc không phải ai cũng hiểu rõ. Hãy cùng chúng tôi đi giải mã ý nghĩa hoa sen trong văn hóa người Việt qua bài viết dưới đây

Thuần Khiết Là Gì? Loài Hoa Tượng Trưng Vẻ Đẹp Tinh Khôi
Kiến thức 21 Th03 năm 2023

Ai cũng yêu thích vẻ đẹp thuần khiết, cũng khát khao có được một tình yêu thuần khiết thế nhưng khi hỏi thuần khiết là gì thì không ít người tỏ ra lúng túng, không thể giải nghĩa của cụm từ này một cách đầy đủ, rõ ràng.

Tất tần tật các món ăn ngon, thanh mát từ sen - đơn giản dễ làm
Kiến thức 17 Th03 năm 2023

Có thể bạn chưa biết, năm 2022, tỉnh Đồng Tháp đã xác nhận kỷ lục Việt Nam và thế giới về "Sự kiện chế biến và công diễn các món ăn từ sen nhiều nhất" với 200 món ăn từ sen. Theo đó, tất cả các bộ phận của hoa sen đều có thể dùng để làm nguyên liệu, tạo nên các món ăn ngon, bổ dưỡng. Dưới đây là tổng hợp các món ăn từ cây sen đơn giản, dễ làm, bạn hãy lưu lại để làm phong phú thêm thực đơn cho gia đình mình nhé!

Cách cắm sen hồng đẹp, tươi lâu
Kiến thức 15 Th03 năm 2023

Hôm nay chúng tôi sẽ chia sẽ cho các bạn một số mẹo để cắm sen hồng đẹp, tươi lâu, để làm được điều đó bạn cần lưu ý một số điểm sau khi thực hiện cắm hoa.

Hoa sen với những phẩm chất cao quý
Kiến thức 15 Th03 năm 2023

Tháng sáu, khi những đợt nắng vàng oi ả của mùa hạ ghé qua cũng là lúc mùa sen nở rộ. Nếu có dịp đến ngắm những hồ sen vào khoảng thời gian này, bạn sẽ cảm thấy lòng mình thư thái, dễ chịu khi ngắm những đóa hoa tinh khôi tỏa hương thơm nhè nhẹ. Hoa sen là một trong những loài hoa cao quý, được nhiều nước coi là quốc hoa như Ấn Độ, Ai Cập, Sri Lanka. Sen cũng là bông hoa tượng trưng cho Phật giáo. Sở dĩ hoa sen được ưu ái như vậy bởi vì nó hội tụ những phẩm chất cao quý sau đây.

Hình tượng hoa sen trong kiến trúc Việt Nam truyền thống và đương đại
Kiến thức 08 Th02 năm 2023

Những năm gần đây, các công trình kiến trúc Việt Nam có xu hướng lấy cảm hứng từ hình tượng văn hóa truyền thống nước nhà, trong đó hình tượng được vận dụng một cách phổ biến và có “sức mạnh” nhất, là hình tượng hoa sen.